Thun tách kẽ răng là một khí cụ quan trọng trong quá trình chỉnh nha, giúp tạo ra khoảng trống giữa các răng để dễ dàng gắn mắc cài hoặc các dụng cụ chỉnh nha khác. Công dụng chính của thun tách kẽ là tạo khoảng cách vừa đủ giữa các răng, giúp quá trình chỉnh nha diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả cao. Cùng với Implant Center tìm hiểu thông tin chi tiết về thun tách kẽ trong bài viết dưới đây.
Thun tách kẽ là gì?
Thun tách kẽ, hay còn gọi là thun tách khe, là một loại dây thun nhỏ được sử dụng trong chỉnh nha để tạo khoảng cách giữa các răng. Quá trình này giúp dễ dàng gắn các dụng cụ chỉnh nha như mắc cài hoặc khâu răng. Thun tách kẽ thường được đặt vào kẽ răng trong vài ngày đến một tuần trước khi bắt đầu quá trình chỉnh nha chính thức, đảm bảo răng có đủ khoảng trống để thực hiện các bước điều trị tiếp theo.
Các loại thun tách kẽ trong niềng răng
Hiện nay có hai loại thun tách kẽ là thun cao su và thun kim loại:
- Thun tách kẽ cao su là một loại thun màu xanh, có hình tròn nhỏ và hơi cứng, được làm từ cao su nguyên chất an toàn cho răng miệng vì không chứa hóa chất độc hại. Khi đặt thun vào kẽ răng, lực đàn hồi từ cao su sẽ tạo ra khe hở giữa các răng và khi đạt khoảng trống vừa đủ, thun sẽ tự động rơi ra.
- Thun tách kẽ răng kim loại là loại thun được làm từ kim loại lành tính, có hình chữ L với lớp lò xo bên trong. Dù là kim loại nhưng loại thun này vẫn an toàn với răng miệng. Thun kim loại được sử dụng trong trường hợp cần tách kẽ răng từ 6 tuần trở lên. Trong thời gian này, hãy đảm bảo chúng không bị rơi ra và đạt khoảng trống vừa đủ, bác sĩ sẽ tiến hành tháo thun.
Đặt thun tách kẽ răng nhằm mục đích gì?
Trước khi bắt đầu quá trình niềng răng, bác sĩ sẽ đặt thun tách kẽ răng để tạo ra khoảng cách giữa các răng, sau đó gắn mắc cài vào răng để tạo ra lực kéo răng và giúp răng dịch chuyển theo ý muốn. Điều này là quy trình cần thiết và hỗ trợ việc gắn các khâu vào răng hàm, và hầu hết bệnh nhân đều phải trải qua quá trình này khi niềng răng.
Đối tượng nào cần phải gắn thun tách kẽ răng?
Không phải tất cả các trường hợp niềng răng đều cần thực hiện thủ thuật này. Những đối tượng cần gắn thun tách kẽ là răng mọc lệch, khấp khểnh, chen chúc quá mức với các kẽ răng khít sát. Hoặc khi răng mọc quá sát nhau, không có khoảng trống để đặt khâu niềng răng (band).
Thông thường, việc gắn thun tách kẽ sẽ được chỉ định trong lần hẹn thứ 2, số lượng thun đặt vào cung hàm có thể từ 1 – 12 chiếc, tùy thuộc vào tình trạng răng miệng.
Cách đặt thun vào kẽ răng như thế nào?
Có 2 phương pháp để đặt thun tách kẽ răng như sau:
- Phương pháp 1
Bác sĩ sẽ sử dụng đoạn chỉ nha khoa co giãn để luồn thun tách kẽ qua kẽ răng của người bệnh. Sau đó, họ sẽ kéo giãn chỉ nha khoa về một phía để đặt thun tách kẽ vào bên trong kẽ răng và rút chỉ nha khoa ra ngoài.
- Phương pháp 2
Bác sĩ sử dụng kiềm phân tách nha khoa để kẹp 2 đầu thun, sau đó kéo giãn thun tách kẽ về hai phía để làm cho dây thun mỏng hơn và dễ dàng luồn vào giữa kẽ răng.
Thao tác đặt thun tách kẽ diễn ra trong bao lâu?
Quá trình đặt thun tách kẽ diễn ra rất đơn giản và nhanh chóng. Khi đưa thun vào kẽ răng bằng dụng cụ thì thao tác này chỉ mất vài giây. Nhưng để đảm bảo an toàn và chắc chắn, thun sau khi được đặt cho cả hàm trên và dưới mất khoảng 5 phút. Người chuẩn bị niềng răng cần mang thun tách kẽ ở giữa kẽ răng trong ít nhất 5-7 ngày để đảm bảo kẽ răng được tách ra đúng cách.
Bao lâu thì tháo thun tách kẽ ra được?
Thời gian đặt thun tách kẽ chịu ảnh hưởng từ cấu trúc và tình trạng răng của mỗi người Nếu sau 5-7 ngày, răng không tách ra như dự kiến, bác sĩ sẽ tiến hành tháo thun tách kẽ. Trong trường hợp răng quá cứng chắc và chậm dịch chuyển, sau 1 tuần, nha sĩ sẽ tháo bỏ thun cũ và đặt thun mới vào thay thế, cho đến khi khoảng cách giữa răng đạt được mong muốn mới gỡ bỏ thun.
Đặt thun tách kẽ răng có gây đau không?
Đặt thun tách kẽ răng sẽ gây khó chịu cho người mới đặt, nhưng sẽ không quá đau đớn. Theo bác sĩ khuyến cáo, cảm giác này tương tự như khi bị mắc thức ăn vào giữa hai kẽ răng. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân cho biết tuy khó chịu nhưng thun tách kẽ không gây tổn thương răng hay niêm mạc – nướu. Và theo thời gian khi răng giãn cách dần dần, cảm giác khó chịu của thun tách kẽ sẽ giảm dần.
Biện pháp giúp bạn giảm cơn đau khó chịu khi đặt thun tách kẽ
Để làm giảm cảm giác khó chịu khi đặt thun tách kẽ, bạn có thể chườm đá hoặc sử dụng thuốc:
- Để giảm đau răng, bạn có thể sử dụng túi chườm đựng đá viên để chườm lên vùng răng đau khoảng 10 phút. Hơi lạnh từ đá sẽ giúp xoa dịu cơn đau nhanh chóng và làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không nên chườm đá trực tiếp lên răng bị đau hoặc ngậm đá lạnh trong miệng để tránh nguy cơ bị bỏng lạnh.
- Các loại thuốc giảm đau như Paracetamol, Ibuprofen cũng có thể giúp giảm cơn đau nhanh chóng, nhưng bạn chỉ nên uống khi có sự chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ.
Chăm sóc răng sau khi đặt thun tách kẽ răng như thế nào mới tốt?
Chăm sóc răng sau khi đặt thun tách kẽ răng đúng cách vô cùng quan trọng, dưới đây là những lưu ý mà bạn cần nắm:
- Chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày và nên sử dụng bàn chải lông mềm, đầu nhỏ, chải theo chuyển động tròn, nhẹ nhàng.
- Dùng chỉ nha khoa chuyên dụng, máy tăm nước, nước súc miệng để chăm sóc răng miệng hiệu quả hơn.
- Hạn chế thức ăn cứng, dai, dính như kẹo, hạt ngũ cốc và các chất kích thích gây hại cho men răng. Ưu tiên thức ăn mềm, dễ nhai.
- Đi khám định kỳ, tuân thủ hướng dẫn về vệ sinh răng miệng và chế độ ăn uống. Nếu cảm thấy quá đau đớn hoặc có dấu hiệu bất thường khi đeo thun, hãy liên hệ bác sĩ ngay để được kiểm tra kịp thời.
Niềng răng nhưng không đặt thun tách kẽ có được không?
Một số trường hợp niềng răng không cần sử dụng thun. Đối với ca niềng này, bệnh nhân sẽ được gắn một minivis trên nướu và sử dụng thun để dịch chuyển răng nhờ điểm tựa minivis. Hoặc những ca răng hàm đã thưa, nếu khoảng cách giữa các răng hàm đã đủ để gắn khâu niềng, thì bác sĩ sẽ không yêu cầu bạn sử dụng thun tách kẽ.
Câu hỏi thường gặp
Bị rớt thun tách kẽ răng phải làm sao?
Trường hợp thun tách kẽ bị rớt trong quá trình ăn nhai, sinh hoạt hằng ngày, bạn nên bình tĩnh và thực hiện theo các bước sau:
- Kiểm tra xem thun tách kẽ còn sót lại trong miệng hay không: Sử dụng gương hoặc đèn pin để kiểm tra kỹ lưỡng kẽ răng và khu vực xung quanh.
- Nếu tìm thấy thun tách kẽ: Rửa sạch thun tách kẽ bằng nước muối sinh lý sau đó gắn lại thun tách kẽ vào vị trí cũ.
- Nếu không tìm thấy hoặc thun tách kẽ không còn dùng được: Liên hệ với bác sĩ niềng răng để được tư vấn và hướng dẫn cách xử lý phù hợp.
Nuốt thun tách kẽ răng có ảnh hưởng gì không?
Nuốt thun tách kẽ răng không gây nguy hiểm cho người nuốt, vì thun tách kẽ được làm từ chất liệu an toàn cho cơ thể và sẽ tự đào thải ra ngoài trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, việc nuốt thun tách kẽ có thể gây một số cảm giác khó chịu như buồn nôn, đầy bụng. Do đó nếu không may nuốt phải, bạn đến ngay bác sĩ nha khoa và bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được tư vấn.
Đặt thun tách kẽ răng không chỉ là bước khởi đầu cho quá trình niềng răng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị răng miệng cho các giai đoạn điều trị tiếp theo.Hy vọng bài viết này của Implant Center đã giúp bạn hiểu rõ công dụng, quy trình đặt thun và cách chăm sóc sau khi đặt thun sẽ giúp bạn có trải nghiệm chỉnh nha dễ chịu và hiệu quả hơn.