Khoang miệng là phần đầu tiên của hệ tiêu hóa, đóng vai trò quan trọng trong quá trình ăn uống và giao tiếp hằng ngày. Đây là nơi tiếp nhận và nghiền nhỏ thức ăn, đồng thời cũng là khu vực diễn ra nhiều hoạt động sinh học như phát âm, cảm nhận mùi vị và phòng vệ trước vi khuẩn. Vậy cấu tạo và chức năng của khoang miệng, cùng Implant Center khám phá ngay.
Tìm hiểu khoang miệng là gì?
Khoang miệng là phần bắt đầu của hệ tiêu hóa, nằm ở vùng trước của đầu, được bao bọc bởi môi, má, lưỡi và răng. Khoang miệng bao gồm nhiều bộ phận như môi, má, răng, nướu, lưỡi, amidan, tuyến nước bọt…cho phép chúng ta thực hiện các hoạt động chức năng như: ăn, uống, thở, phát âm một cách thuận tiện.
Vị trí của khoang miệng nằm ở đâu?
Khoang miệng nằm ở phần trước của khuôn mặt, ngay phía sau môi và giữa hai má. Nó mở ra phía trước với lối vào là môi và đóng lại phía sau bằng hầu họng. Khoang miệng gồm hai phần chính: phần hành lang miệng nằm giữa má, môi và răng; phần miệng chính nằm giữa răng và vòm miệng.
Cấu tạo của khoang miệng gồm bao nhiêu thành phần?
Khoang miệng được tạo nên từ nhiều cấu trúc, mỗi phần đều có vai trò quan trọng trong quá trình nhai, nuốt, cảm nhận mùi vị và phát âm.
Môi
Môi là phần mô mềm nằm ở mặt trước của khoang miệng, giúp bảo vệ khoang miệng và kiểm soát lượng thức ăn khi đưa vào. Môi là bộ phận góp phần quan trọng trong việc phát âm, biểu hiện cảm xúc và đóng kín miệng.
Má
Má được bao phủ bởi da và niêm mạc, có màu hồng nhạt và nhẵn mịn. Phía trên và dưới của niêm mạc má gập lại, tiếp giáp với niêm mạc xương ổ răng. Trên niêm mạc má có đường trắng dài, gọi là đường nhai, là in dấu ấn của mặt nhai các răng cối. Phía sau niêm mạc tương ứng với cổ răng số 6 hàm trên có một nốt nhỏ gọi là gai ống stenon – vị trí mà ống stenon mở ra trong miệng.
Đáy hành lang
Đây là bộ phận nằm giữa hàm trên và hàm dưới, có nếp gấp niêm mạc nối liền với niêm mạc môi và xương ổ răng. Nếp gấp này được gọi là thắng môi, trong đó thắng môi trên to và dày hơn thắng môi dưới. Ở 2 bên răng nanh và răng cối nhỏ ở hàm trên và hàm dưới cũng có 2 nếp gấp tương tự, được gọi là thắng bên, trong đó thắng bên hàm dưới to và dày hơn thắng bên hàm trên.
Răng
Răng là thành phần chính trong quá trình nhai và nghiền nhỏ thức ăn. Một bộ răng hoàn chỉnh gồm 32 chiếc, chia thành răng cửa, răng nanh, răng hàm nhỏ và răng hàm lớn, mỗi loại có chức năng khác nhau trong quá trình cắt, xé và nghiền thức ăn.
Nướu (lợi)
Nướu là mô mềm bao quanh và bảo vệ chân răng giúp bảo vệ răng khỏi vi khuẩn và các yếu tố gây hại khác, đồng thời tạo nền vững chắc cho răng đứng yên trong xương hàm. Nướu có màu hồng nhạt và lấm tấm da cam. Nướu được chia thành 2 phần chính: phần phía ngoài – nướu viền và phần phía trong – nướu dính.
Xương ổ răng
Xương ổ răng là phần xương bao quanh chân răng, giữ răng cố định và ổn định trong hàm. Xương ổ răng phát triển và thích nghi với lực nhai trong quá trình ăn uống. Xương ổ răng có niêm mạc màu đỏ sậm, mịn và mỏng. Niêm mạc này ôm sát theo những lồi lõm của răng trên bề mặt xương ổ răng và có thể di động được so với bề mặt xương.
Khẩu cái (vòm miệng)
Khẩu cái chia làm hai phần: khẩu cái cứng ở phía trước và khẩu cái mềm ở phía sau. Khẩu cái cứng giúp tạo nền vững chắc để đỡ lưỡi và thức ăn khi nhai. Khẩu cái mềm đóng vai trò quan trọng trong quá trình nuốt và ngăn thức ăn trào ngược vào mũi.
Lưỡi
Lưỡi là một bộ phận cơ hoạt động linh hoạt, giúp di chuyển thức ăn trong miệng, hỗ trợ quá trình nhai và nuốt. Phía trước lưng lưỡi sẽ gồm 3 loại gai vị giác: gai chỉ, gai nấm và gai lá. Trong niêm mạc lưỡi có chứa lympho (amidan lưỡi). Mặt dưới lưỡi sẽ có một lớp niêm mạc mỏng bao phủ. Và cuối cùng, đường giữa lưỡi sẽ có một nếp gấp niêm mạc nối với sàn miệng, chính là là thắng lưỡi.
Sàn miệng
Sàn miệng là bộ phận có dạng hình móng ngựa, nằm ở dưới phần đầu lưỡi trước và ở 2 bên đáy lưỡi. Ở đường giữa của sàn miệng có thắng lưỡi. Hai bên thắng lưỡi là tuyến dưới lưỡi, nhô lên tạo thành 2 dãy dưới lưỡi. Tận cùng dãy dưới lưỡi, gần chỗ thắng lưỡi nối với sàn miệng sẽ có nhiều gai nhỏ, chính là gai dưới lưỡi.
Tuyến nước bọt
Tuyến nước bọt là nơi tiết ra nước bọt, giúp làm ẩm thức ăn, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và bảo vệ niêm mạc miệng. Nước bọt chứa enzyme giúp phân giải các chất trong thức ăn và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn.
Hệ thống bạch huyết
Hệ thống bạch huyết trong khoang miệng bao gồm các hạch bạch huyết và tuyến bạch huyết, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn và vi rút. Nó giúp duy trì sự cân bằng miễn dịch và ngăn chặn sự lây lan của các tác nhân gây bệnh.
5 chức năng của khoang miệng là gì?
Khoang miệng không chỉ là bộ phận đầu tiên của hệ tiêu hóa, mà còn tham gia vào các hoạt động như phát âm, hô hấp, hỗ trợ các giác quan và bảo vệ hệ miễn dịch. Khoang miệng thực hiện những chức năng chính sau:
Tiêu hóa
Khoang miệng là nơi khởi nguồn của hệ thống tiêu hóa. Thức ăn sau khi được đưa vào miệng sẽ được răng nhai nhỏ, trộn với nước bọt – chứa enzyme amylase giúp phân giải tinh bột – để hình thành các khối thức ăn mềm và dễ nuốt. Quá trình nhai và tiết nước bọt không chỉ giúp thức ăn dễ dàng di chuyển qua thực quản, mà còn hỗ trợ tiêu hóa hiệu quả hơn ở các giai đoạn tiếp theo.
Phát âm
Lưỡi, răng và khẩu cái trong khoang miệng cùng tham gia vào quá trình phát âm, giúp điều chỉnh luồng khí từ phổi lên và tạo ra các âm thanh khi nói. Lưỡi đóng vai trò điều chỉnh âm thanh và tạo ra các tiếng phát âm chính xác, trong khi răng và khẩu cái hỗ trợ việc phát âm rõ ràng, chuẩn xác.
Hô hấp
Mặc dù chức năng chính của hô hấp diễn ra ở mũi và phổi, khoang miệng cũng đóng vai trò là đường thở phụ, nhất là khi đường mũi bị tắc. Khi thở qua miệng, không khí đi vào khoang miệng, qua họng và vào phổi. Nhờ đó giúp duy trì quá trình hô hấp khi cần thiết, đặc biệt là trong các trường hợp khó thở hoặc khi vận động mạnh.
Hỗ trợ sự thăng bằng, thị giác và thính giác
Khoang miệng có sự liên hệ chặt chẽ với các cấu trúc liên quan đến thị giác, thính giác và thăng bằng thông qua các dây thần kinh và cơ. Ví dụ, các cơ xung quanh miệng và lưỡi giúp điều chỉnh áp lực trong khoang miệng khi nhai và nuốt, đồng thời có sự phối hợp với tai trong để duy trì cảm giác thăng bằng. Ngoài ra, cấu trúc của khoang miệng còn ảnh hưởng đến cách tiếp nhận âm thanh và hình ảnh.
Dẫn lưu xoang
Khoang miệng có sự kết nối với các xoang mặt và hệ thống dẫn lưu. Nước bọt trong miệng giúp giữ ẩm và duy trì sự cân bằng sinh học trong khoang miệng, đồng thời hỗ trợ việc dẫn lưu các chất dịch từ xoang. Từ đó giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về xoang và giúp cơ thể loại bỏ các chất gây viêm nhiễm.
Các bệnh lý nào thường gặp trong khoang miệng?
Dưới đây là danh sách các bệnh lý thường gặp trong khoang miệng mà bạn cần lưu ý.
Bộ phận | Tên bệnh lý |
---|---|
Răng | Mảng bám răng, cao răng, sâu răng, áp xe răng, răng khôn mọc lệch |
Nướu | Bệnh nha chu, viêm nướu, viêm nướu khi mang thai, viêm nha chu, tụt nướu, chảy máu nướu, sưng nướu, nhiễm trùng nướu |
Vòm miệng | Đau miệng, loét miệng, nhiệt miệng, vết loét lạnh (herpes môi), lichen phẳng, hồng sản, bạch sản |
Mô mềm | Đau miệng, loét miệng, nhiệt miệng, vết loét lạnh (herpes môi), lichen phẳng, hồng sản, bạch sản |
Tuyến nước bọt | Sưng tuyến nước bọt, sỏi tuyến nước bọt, viêm tuyến mang tai, ung thư biểu mô tuyến, quai bị |
Lưỡi | Dính thắng lưỡi, tật lưỡi to, viêm lưỡi, lưỡi bản đồ, lưỡi vàng, lưỡi trắng, lưỡi lông đen, đốm trên lưỡi, lưỡi bị bỏng |
Vị giác | Sưng nụ vị giác, hypergeusia (tăng vị giác), hypogeusia (giảm vị giác), dysgeusia (biến dạng vị giác), ageusia (mất vị giác), rối loạn vị giác ảo |
Ung thư miệng | Ung thư miệng, ung thư môi, ung thư đầu và cổ, ung thư vảy dạng nhú, ung thư tuyến nước bọt, ung thư niêm mạc miệng, ung thư vòm miệng cứng |
Dây thanh âm | Mở và đóng dây thanh âm |
Khoang miệng không chỉ là nơi tiếp nhận và xử lý thức ăn mà còn đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng sinh học khác như phát âm, bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây hại và cảm nhận hương vị. hi gặp các triệu chứng như lở loét, đau, chảy máu hoặc khô miệng kéo dài, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.