Răng lệch là như thế nào? Các kiểu mọc lệch răng và lý do khiến răng mọc lệch
Răng lệch là gì? Phân loại và các biện pháp khắc phục tình trạng răng lệch lạc

Răng lệch là 1 trong những bệnh lý răng miệng thường gặp nhất, gây ảnh hưởng đến chức năng của răng và tính thẩm mỹ khuôn mặt. Vậy có những dạng răng mọc lệch nào và biện pháp khắc phục tình trạng răng lệch lạc là gì? Chúng ta cùng theo dõi nội dung dưới đây để có câu trả lời chính xác nhất.

 

Thế nào là răng bị xô lệch?

Răng mọc lệch (răng có khớp cắn lệch) là tình trạng khá phổ biến, trường hợp này răng không ở vị trí thẳng hàng (xô lệch), không đủ chỗ để sắp xếp đều đặn theo đúng khớp cắn. Biểu hiện của răng mọc lệch là 1 hay nhiều răng xoay, nghiêng, mọc lệch ra ngoài hay vào trong, mọc ngầm trong xương hoặc răng lung lay.

Định nghĩa răng bị xô lệch
Định nghĩa răng bị xô lệch

 

Một số nguyên nhân răng mọc lệch có thể kể đến là do các tác động từ yếu tố bên ngoài (tai nạn, răng sâu, viêm nướu..), bẩm sinh răng sắp xếp không đúng vị trí, do mất răng sớm… Răng bị xô lệch không chỉ làm ảnh hưởng đến chức năng răng mà có thể làm mất đi vẻ tự nhiên của nụ cười và thẩm mỹ khuôn mặt.

 

Có những tình trạng răng lệch lạc như thế nào?

Tùy thuộc vào mức độ thiếu chỗ của tổng số đo các kích thước gần xa của răng so với khoảng hiện có trên cung hàm, phân loại tình trạng răng lệch lạc thành 3 mức:

  • Nhẹ: Thiếu chỗ mức độ nhẹ < 4mm
  • Vừa: Thiếu chỗ mức độ vừa 4 – 8mm
  • Nặng: Thiếu chỗ mức độ nặng > 8mm

 

Những kiểu mọc lệch dễ gặp của răng

Trên thực tế, răng lệch có nhiều kiểu, trong đó có thể kể đến một vài kiểu răng mọc lệch dễ gặp như răng cửa mọc lệch, bị lệch hàm dưới, răng mọc lệch hàm trên, răng khôn mọc lệch, răng số 7 mọc lệch. Đặc điểm cụ thể của từng kiểu răng mọc lệch như sau:

 

Răng cửa mọc lệch

Răng cửa mọc lệch là trạng thái 2 răng cửa mọc vênh so với răng bên cạnh và cung răng. Răng cửa mọc lệch dễ nhận thấy và ảnh hưởng nhiều đến nụ cười và khuôn mặt, khiến nhiều người trở nên thiếu tự tin.

Dưới đây là 1 số kiểu răng cửa mọc lệch thường gặp:

  • Răng cửa lệch hình chữ V: Răng cửa lệch hình chữ V là tình trạng 2 răng cửa mọc lệch có phần cạnh phía trong tiếp xúc tạo thành hình chữ V.
  • Răng cửa lệch nghiêng: Răng cửa mọc lệch nghiêng là răng không mọc ở tư thế đứng mà nghiêng cùng bên hoặc ngược bên.
  • Răng cửa mọc lộn xộn: Răng cửa mọc lộn xộn là tình trạng 2 răng cửa mọc chìa ra ngoài, 2 răng cửa hướng vào trong hoặc 1 răng mọc chìa ra và 1 răng hướng vào trong…

Nguyên nhân răng cửa mọc lệch có thể do bẩm sinh vị trí răng sắp xếp không đúng, răng bị chèn ép và xô đẩy bởi các răng bị lệch khác, bệnh lý mất răng sớm, thói quen xấu (thè lưỡi, tì lưỡi vào răng cửa, ngậm ngón tay…).

Các dạng răng bị mọc lệch
Các dạng răng bị mọc lệch

 

Răng hàm dưới mọc lệch vào trong

Răng hàm dưới mọc lệch vào trong là tình trạng răng mọc không theo phương thẳng đứng, không sát khít với răng hàm trên mà mọc lùi vào phía trong. Tình trạng răng mọc lệch này thường gây nên hiện tượng cắn ngược (móm), ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, sức khỏe răng miệng và thẩm mỹ khuôn mặt.

Nguyên nhân răng hàm dưới mọc lệch vào trong là do di truyền, bẩm sinh, mất răng sớm hay thói quen ngậm tay, đẩy lưỡi, mút tay…

 

Răng mọc lệch hàm trên

Răng mọc lệch hàm trên là hiện tượng các răng hàm trên mọc lộn xộn trên cung răng. Trên thực tế răng mọc lệch hàm trên có nhiều trạng thái như có răng mọc ra ngoài, có răng mọc lùi vào trong, răng chen chúc… Hàm răng hàm trên không đều gây ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, mất thẩm mỹ khuôn mặt.

Nguyên nhân răng mọc lệch hàm trên là do di truyền, cung hàm dưới nhỏ nên răng hàm dưới mọc không khớp với răng hàm trên dẫn đến răng lệch, do các thói quen xấu ngậm tay, đẩy lưỡi, mút tay…

 

Răng khôn mọc lệch

Tình trạng răng khôn (răng số 8) mọc lệch có thể ở vị trí hàm trên, hàm dưới hoặc cả 2 hàm, trong đó có một số dạng sau:

  • Răng khôn mọc lệch gần: Răng khôn mọc lệch hướng vào răng số 7, gây xô đẩy răng số 7 và các răng khác trên hàm.
  • Răng số 8 mọc lệch xa: Răng số 8 mọc lệch xa là tình trạng chân răng đẩy vào răng số 7, thân răng hướng ra xa gây đau buốt chân răng.
  • Răng khôn mọc ngang: Răng khôn mọc ngang (răng mọc lệch 90 độ) khá phổ biến, gây tác động đến răng số 7 có thể gây tiêu xương, nang chân răng, viêm nhiễm và xô lệch cả hàm.
  • Răng số 8 mọc lệch má: Răng khôn mọc lệch lá là đầu răng hướng ra vùng má, dễ dẫn đến tổn thương vùng má khi ăn nhai.

Nguyên nhân răng số 8 mọc lệch có thể do răng mọc muộn nhất trên hàm khi vị trí các răng khác đã ổn định, khi răng mọc thiếu không gian nên dẫn đến mọc lệch làm xô đẩy răng bên cạnh và toàn hàm. Bên cạnh đó khi răng khôn mọc ở khoảng từ 18 – 25 tuổi, phần nướu ở tuổi trưởng thành chắc chắn, phủ dày làm cản trở sự phát triển của răng. Lúc này răng khôn mọc chậm hơn và có thể ảnh hưởng đến các răng khác.

 

Răng số 7 mọc lệch

Răng số 7 mọc lệch là vấn đề không hiếm gặp với nhiều kiểu như mọc lùi vào trong, mọc tiến ra ngoài, mọc lệch ngang, mọc lệch góc nhỏ hơn 45 độ hay mọc đâm vào răng số 6. Răng số 7 mọc lệch làm ảnh hưởng nhiều đến chức năng ăn nhai, nếu nhổ làm ảnh hưởng đến các răng khác trên hàm dẫn tới xô lệch. Bệnh nhân nên thăm khám vào điều trị trường hợp học lệch răng số 7 sớm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.

 

Tại sao răng mọc lệch?

Trên thực tế có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng răng lệch. Việc tìm hiểu rõ nguyên nhân giúp tìm ra cách khắc phục hiệu quả, trả lại cho bạn hàm răng đều đẹp, nụ cười tự tin. Răng mọc lệch có thể đến từ các nguyên nhân như mất răng lâu năm, răng quá lớn hoặc nhỏ so với cung hàm, các thói quen xấu, tác động của răng khôn, niềng răng hỏng hoặc không đeo hàm duy trì sau niềng.

 

Do mất răng lâu năm

Thiếu răng bẩm sinh hoặc mất răng lâu năm tạo thành khoảng trống trên khuôn răng, làm răng di chuyển giãn cách nhau hơn. Mất răng trong thời gian dài nếu không được xử lý sẽ khiến răng cửa thưa và mọc lệch.

 

Răng quá lớn hoặc nhỏ so với cung hàm

Một trong những nguyên nhân răng lệch không thể không kể đến là răng quá lớn hoặc quá nhỏ so với cung hàm. Nếu bạn có phần xương hàm nhỏ, nhưng kích thước các răng lớn, khi toàn bộ răng mọc lên sẽ không đủ chỗ nên răng sẽ thay đổi vị trí hoặc xoay dẫn đến lệch lạc. Ngược lại nếu kích thước răng quá nhỏ so với cung hàm sẽ dẫn đến tình trạng răng thưa.

 

Các thói quen xấu

Một số thói quen xấu hình thành sớm từ nhỏ cũng là nguyên nhân vô tình làm răng mọc lệch ở trẻ. Những thói quen xấu có thể kể đến là thở miệng, nghiến răng, cắn môi má, đẩy lưỡi hay nuốt lệch, mút môi, tự gây chấn thương, mút ngón tay, chống cằm…

  • Thở miệng trở thành thói quen làm cho hàm răng trên tiến về phía trước, dẫn đến hô răng, hô hàm, cung răng hàm trên nhô hơn, khớp cắn hở hoặc sâu, vẩu ra, không cắn khít được.
  • Nghiến răng là thói quen có hại làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của 1 hoặc nhiều răng. Một số trẻ nghiến răng mạnh, siết chặt làm vỡ men bờ cắn của răng, gây mòn răng, sâu răng, răng lệch.
  • Cắn môi má ở trẻ là thói quen làm nhóm răng cửa hàm trên nhô ra, cắn không khít, phát âm không chuẩn.
  • Đẩy lưỡi (nuốt lệch) là tật sử dụng lưỡi đẩy vào giữa răng cửa trên vào dưới, làm răng phía trước của cả 2 hàm nghiêng ra phía trước và thưa nhau gây cắn hở. Các răng vùng bị đẩy lưỡi bị cản trở mọc lên bình thường.
  • Mút môi là hành động nếu kéo dài có thể làm răng cửa dưới nghiêng vào phía trong lưỡi, răng cửa trên nghiêng ra phía ngoài, răng trên che phủ răng dưới quá nhiều (cắn sâu)
  • Tự gây chấn thương là những hành động vô tình như dùng bút, vật sắc nhọn tự gây tổn thương cho chính mình. Bên cạnh đó, thói quen mút tay ở trẻ cũng có thể dẫn đến làm trầy xước mô quanh răng.
  • Mút ngón tay là thói quen không tốt thường gặp ở nhiều trẻ, đây là nguyên nhân gây ra tình trạng răng mọc lệch, hô hàm. Tùy theo vị trí đặt ngón tay và điểm tựa trên xương ổ khi mút răng cửa trên và dưới sẽ mọc nghiêng làm răng xô lệch.
  • Chống cằm trong thời gian dài có thể làm thay đổi hướng phát triển của xương hàm dưới, cằm đẩy về phía trước, răng xô lệch, mặt trở nên bất cân xứng.

Khi tuổi còn nhỏ, kết cấu răng chưa hoàn chỉnh, kết hợp với những thói quen xấu khiến các răng trong quá trình hình thành mọc lệch. Nặng hơn, bệnh nhân còn làm tác động lên sự phát triển của hàm dẫn đến hàm hô móm. Trong những trường hợp này cần có sự tác động kịp thời can thiệp, xử lý tránh để trẻ trưởng thành với hàm răng kém thẩm mỹ, dẫn đến thiếu tự tin trong học tập, làm việc và cuộc sống.

 

Tác động của răng khôn

Răng khôn là răng mọc cuối cùng trên cung hàm, nếu không có đủ chỗ để mọc, răng sẽ đẩy các răng khác xung quanh làm thay đổi vị trí ban đầu của răng bên cạnh. Quá trình mọc của răng khôn có thể làm xô các răng trước đó khiến các răng trên hàm chen chúc, lệch lạc gây mất thẩm mỹ.

 

Niềng răng hỏng hoặc không đeo hàm duy trì

Niềng răng là phương pháp điều trị kéo dài, với nhiều giai đoạn phức tạp. Tuy nhiên nếu niềng răng bị hỏng do tay nghề chuyên môn của các nha sĩ khiến bệnh nhân dễ gặp phải các rủi ro như răng sai lệch nhiều hơn, hở khớp cắn, tụt lợi…

Mặt khác, sau khi niềng răng mô nha chu, mô nướu cần thêm thời gian để tổ chức lại cấu trúc. Nếu bạn không đeo hàm duy trì, trong quá trình ăn nhai răng có xu hướng bị lệch trở lại.

 

Răng bị xô lệch kéo dài ảnh hưởng gì?

Răng bị xô lệch kéo dài có thể dẫn đến nhiều tác hại như giảm thẩm mỹ gương mặt, gây ra tình trạng răng thưa và hở kẽ, vệ sinh răng miệng khó khăn, ảnh hưởng đến khớp cắn, gây ra bệnh lý về tiêu hóa và bệnh lý răng miệng, phát âm sai.

Tác hại răng bị xô lệch kéo dài
Tác hại răng bị xô lệch kéo dài

 

Giảm đi thẩm mỹ gương mặt

Răng xô lệch kéo dài làm giảm đi thẩm mỹ gương mặt, nụ cười mất đi vẻ tự nhiên và khiến nhiều người mất tự tin trong giao tiếp và sinh hoạt. Tệ hơn nhiều trường hợp răng lệch sai khớp cắn còn dẫn đến tình trạng bệnh nhân không thể khép miệng bình thường, dẫn đến tâm lý tự ti, ngại đối mặt với người đối diện.

 

Gây ra răng thưa, hở kẽ

Xô lệch răng trên hàm khiến các răng có xu hướng giãn rộng, phần khe hở giữa các răng là tình trạng răng thưa, hở kẽ. Khi ăn nhai thức ăn dễ mắc vào những kẽ hở này trên răng, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có hại tấn công, dẫn đến các bệnh lý về răng miệng.

 

Vệ sinh răng khó khăn

Răng mọc không đều, răng lệch khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng. Các mảnh vụn thức ăn dễ tích tụ ở kẽ răng, dẫn đến hình thành cao răng, tích tụ vi khuẩn, tăng nguy cơ sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu, nghiêm trọng hơn là mất răng sau này.

 

Ảnh hưởng đến khớp cắn

Khi răng trên hàm mọc không đều sẽ làm hỏng khớp cắn tự nhiên, cản trở đến hoạt động ăn nhai. Người bị răng mọc lệch có thể bị đau khớp thái dương hàm, mỏi hàm, mỏi cơ cổ và đau đầu kinh niên.

 

Gây ra bệnh lý về tiêu hóa

Ảnh hưởng xấu của tình trạng xô lệch hàm dẫn đến chức năng ăn nhai kém, thức ăn không được nghiền nhỏ làm khó tiêu làm tăng áp lực cho dạ dày và hệ tiêu hóa. Dạ dày và hệ tiêu hóa hoạt động không hiệu quả có thể dẫn đến các bệnh lý về đường ruột.

 

Tăng nguy cơ bị mắc bệnh lý liên quan đến răng miệng

Răng mọc lệch làm cho việc vệ sinh răng miệng khó khăn, không sạch sẽ, vụn thức ăn và mảng bám bị giữ lại trong kẽ hở và trên răng. Vì vậy, người bị răng xô lệch tăng nguy cơ hình thành các bệnh lý liên quan đến răng miệng.

 

Phát âm sai

Răng mọc lệch, không đúng vị trí còn có thể ảnh hưởng đến khả năng phát âm vì việc phát âm chịu ảnh hưởng từ sự phối hợp giữa môi, răng và lưỡi. Nhiều người răng hàm mọc chen chúc gây ra tình trạng nói chuyện khó khăn, phát âm sai, nói đớt hay nói ngọng.

 

Điều trị răng mọc lệch bằng phương pháp nào?

Hiện nay có nhiều hướng điều trị răng mọc lệch hiệu quả, trong đó có 2 phương pháp phổ biến là bọc răng sứ và phẫu thuật chỉnh hình. Cụ thể:

Cách điều trị răng mọc lệch
Cách điều trị răng mọc lệch

 

Bọc răng sứ

Bọc răng sứ là giải pháp điều trị răng xô lệch được đánh giá cao, đặc biệt với những trường hợp răng cửa mọc lệch. Hiện nay nhiều nha khoa áp dụng kỹ thuật bọc răng sứ hiện đại tiên tiến với vật liệu chất lượng giúp bạn có thể yên tâm với hàm răng khỏe đẹp.

Phương pháp bọc răng sứ khắc phục răng mọc lệch được các bác sĩ thực hiện với nhiều bước. Đầu tiên bác sĩ loại bỏ 1 phần mô rưng bên ngoài răng lệch để tạo khoảng trống chụp mão răng sứ. Trong quá trình thực hiện bác sĩ điều chỉnh, định vị vị trí các răng để đảm bảo hoàn thiện răng mọc lệch sẽ thẳng, đều đẹp so với răng khác trên hàm.

Ưu điểm

  • Thời gian thực hiện nhanh
  • Răng sứ có màu sắc tự nhiên, hài hòa với răng khác trên hàm
  • Thời gian sử dụng răng sứ lâu dài, trung bình 10 – 15 năm hoặc hơn nữa
  • Không cần nhổ bớt răng trên hàm

Nhược điểm

  • Tác động đến răng do cần phải mài răng, có những trường hợp phải điều trị tủy
  • Thời gian sử dụng phụ thuộc vào tay nghề bác sĩ, chăm sóc răng miệng, vật liệu bọc sứ…
  • Có những trường hợp không điều chỉnh được khớp cắn chuẩn

 

Phẫu thuật chỉnh hình

Những trường hợp răng mọc lệch nghiêm trọng không thể áp dụng phương pháp niềng răng hay bọc sứ thì giải pháp can thiệp hiệu quả sẽ là phẫu thuật chỉnh hình. Phẫu thuật chỉnh hình răng mọc lệch là kỹ thuật phức tạp, cần phải cắt bỏ 1 đoạn xương và răng ở vị trí cần điều chỉnh. Sau đó, bác sĩ đưa răng về vị trí phù hợp và cố định bằng nẹp vít. Hoàn thành phẫu thuật bệnh nhân sẽ có hàm răng đều đẹp.

Ưu điểm

  • Điều chỉnh hàm răng xô lệch nặng trở lại đều đẹp

Nhược điểm

  • Phẫu thuật chỉnh hình phức tạp yêu cầu bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu rộng, nhiều năm kinh nghiệm, vì vậy bạn nên chọn cơ sở uy tín thực hiện với chất lượng đội ngũ kỹ thuật cao
  • Chi phí điều trị cao

 

Niềng răng mọc lệch bằng mắc cài kim loại

Niềng răng điều chỉnh vị trí răng tự nhiên làm cho răng mọc xô lệch trở lại vị trí phù hợp. Niềng răng mọc lệch bằng mắc cài kim loại là giải pháp được nhiều bệnh nhân chọn lựa vì sở hữu nhiều ưu điểm.

Ưu điểm

  • Sắp xếp đều răng 2 hàm, điều chỉnh răng lệch về đúng vị trí, nới rộng được cung hàm (nếu cung hàm hẹp) mang lại hàm răng đều đẹp
  • Không xâm lấn, không gây hại đến mô và xương hàm
  • Khớp cắn chuẩn
  • Đảm bảo chức năng ăn nhai

Nhược điểm

  • Thực hiện trong thời gian khá dài (trung bình từ 1 – 3 năm) do cần nhiều thời gian chờ răng dịch chuyển tự nhiên
  • Yêu cầu trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của bác sĩ để đánh giá mức độ xô lệch và chọn phương pháp niềng phù hợp
  • Thời gian và chi phí niềng răng thay đổi theo độ phức tạp của ca bệnh

 

Cần lưu ý gì khi điều trị răng bị xô lệch?

Để hành trình điều trị răng bị xô lệch diễn ra hiệu quả, an toàn theo đúng kế hoạch bạn cần lưu ý một số vấn đề như sau:

Lưu ý khi điều trị răng bị xô lệch
Lưu ý khi điều trị răng bị xô lệch

 

Khám định kỳ

Bệnh nhân nên đi khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để kịp thời theo dõi, phát hiện sớm sự dịch chuyển bất thường của răng. Từ đó, bác sĩ sẽ có biện pháp xử lý nhằm đảm bảo kết quả điều trị răng mọc lệch ổn định, lâu dài.

 

Mang hàm duy trì

Sau chỉnh nha cần mang hàm duy trì đúng và đủ thời gian để giữ cố định răng ở vị trí mới, loại bỏ nguy cơ chạy răng. Hàm duy trì cần đeo ít nhất 1 năm đầu tiên sau niềng, sau đó giảm dần thời gian đeo trong ngày và trong tuần.

 

Ăn uống khoa học, đầy đủ dưỡng chất

Chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dưỡng chất có ảnh hưởng tốt đến kết quả điều trị răng mọc lệch. Theo đó không nên sử dụng thực phẩm cứng, dai, dẻo thường xuyên sẽ làm răng càng xô lệch hơn, thậm chí gây nguy cơ cao mắc các bệnh răng miệng. Nên xây dựng chế độ ăn cân bằng, ưu tiên thực phẩm mềm, dễ nuốt, bổ sung thêm các thực phẩm tăng như rau củ, trái cây, sữa, phô mai… giàu dinh dưỡng.

 

Chăm sóc răng miệng đúng cách

Chăm sóc răng miệng là 1 trong những vấn đề quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng và hiệu quả điều trị răng mọc lệch. Nên sử dụng bàn chải lông mềm vệ sinh răng miệng 2 lần/ ngày kết hợp chỉ tơ nha khoa, bàn chải kẽ để loại bỏ mảng bám, thức ăn thừa. Ngoài ra nên sử dụng thêm nước súc miệng, tăm nước để tăng cường hiệu quả làm sạch răng tránh các nguy cơ khiến răng xô lệch như viêm nướu, viêm nha chu, mất răng…

 

Câu hỏi thường gặp

Các nguyên nhân gây tụt lợi chân răng?

Tụt lợi chân răng (tụt nướu răng) là hiện tượng phần lợi chân răng di chuyển sâu xuống cuống răng làm cho phần thân răng tại vị trí này hở ra ngoài. Tụt lợi chân răng là bệnh lý răng miệng thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân:

  • Do bệnh lý: Răng bị viêm quanh răng và túi bệnh lý sâu, viêm nha chu, cao răng tích tụ quá nhiều
  • Do sinh lý: Tụt lợi sinh lý gia tăng theo độ tuổi, nội tiết tố
  • Do sang chấn: Tụt lợi có thể do chải răng sai kỹ thuật, sang chấn khớp cắn, răng xô lệch, các thói quen xấu như nghiến răng, hút thuốc lá…

 

Dấu hiệu nào cho thấy răng trẻ mọc lệch?

Tình trạng răng mọc lệch thường xuất hiện trong giai đoạn thay răng của trẻ với những dấu hiệu sau đây:

  • Răng mọc chen chúc, lộn xộn, răng mọc lệch giữa hàm trên và hàm dưới
  • Ngủ không ngậm miệng kín, ngủ há miệng, răng hô
  • Răng móm, cười chỉ thấy hàm dưới hoặc khớp cắn sâu, cười chỉ thấy hàm trên
  • Khớp cắn chéo, răng mọc không đúng vị trí khớp cắn
  • Khớp cắn hở, hàm dưới và hàm trên cách xa nhau
  • Răng thưa, khe hở giữa 2 răng lớn

 

Phân biệt răng khôn mọc thẳng, mọc ngầm và mọc lệch?

Đặc điểm phân biệt răng khôn mọc thẳng, mọc lệch và mọc ngầm:

  • Răng khôn mọc thẳng: Răng khôn mọc thẳng là trường hợp hiếm gặp, khi răng khôn mọc ra theo hướng dọc bình thường và đầy đủ không gây ra bất kỳ vấn đề gì với sức khỏe răng miệng.
  • Răng khôn mọc lệch: Răng khôn mọc lệch là trường hợp phổ biến nhất, khi răng mọc ra không đúng hướng (mọc theo hướng trong, ngoài, gần, xa…) gây áp lực lên răng bên cạnh và răng toàn hàm, gây đau đớn, nhiễm trùng vùng miệng.
  • Răng khôn mọc ngầm: Răng khôn mọc ngầm là trường hợp răng khôn chỉ mọc 1 phần hoặc chìm hoàn toàn dưới nướu gây sưng tấy, đau nhức dẫn đến hình thành u xơ, viêm, nhiễm trùng vùng miệng.

Việc phân biệt rõ các trường hợp răng khôn mọc thẳng, mọc lệch hay mọc ngầm đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp điều trị, phòng ngừa và chăm sóc răng miệng. Để sớm phát hiện bạn nên thường xuyên khám răng định kỳ, bác sĩ sẽ kiểm tra, tư vấn và đưa ra giải pháp thích hợp cho từng trường hợp răng khôn mọc bất thường.

Răng mọc lệch gây ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai, sức khỏe răng miệng và thẩm mỹ khuôn mặt. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn nên đến các nha khoa uy tín để được bác sĩ thăm khám, lựa chọn phương pháp khắc phục sớm. Điều trị răng lệch sớm nhằm ngăn ngừa, kiểm soát các rối loạn trầm trọng, giảm thiểu thời gian và chi phí.

Sở hữu hàm răng đều đẹp luôn là mong muốn của nhiều người, giúp bạn tự tin trong giao tiếp, thuận tiện trong sinh hoạt và tốt cho sức khỏe. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào bạn có thể liên hệ với chúng tôi để nhận giải đáp chi tiết hơn.

[widget id="custom_html-2"]