Trẻ ngủ nghiến răng là hiện tượng gì? Cách điều trị tình trạng nghiến răng ở trẻ khi ngủ ""
Trẻ ngủ nghiến răng: nguyên nhân, ảnh hưởng và cách điều chỉnh hiệu quả

Trẻ nghiến răng khi ngủ là hiện tượng khiến nhiều phụ huynh bối rối vì không biết nguyên nhân do đâu, tình trạng có gây ảnh hưởng đến con hay không? Để giúp cha mẹ giải đáp các thắc mắc cũng như tìm cách điều chỉnh thói quen này ở con, chúng ta cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây nhé.

 

Hiện tượng nghiến răng khi ngủ ở trẻ em là gì?

Hiện tượng nghiến răng khi ngủ là biểu hiện không quá xa lạ và thường gặp ở rất nhiều người lớn và trẻ em. Nghiến răng là hành động hai hàm răng siết chặt, tạo ra áp lực lên răng, từ đó phát ra âm thanh ken két. Hiện tượng này thường xuất hiện khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng hay có triệu chứng rối loạn chức năng thần kinh.

Hiện tượng nghiến răng khi ngủ ở trẻ em là gì
Hiện tượng nghiến răng khi ngủ ở trẻ em là gì

 

Thông thường nghiến răng khi ngủ không mang đến nguy hiểm, hay gây hại nhiều cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu nghiến răng xuất hiện với tần suất cao, kéo dài liên tục có thể tác động đến hệ thần kinh và gây ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Nghiến răng khi ngủ ở trẻ là tình trạng mà nhiều phụ huynh quan tâm. Hiện tượng trẻ ngủ nghiến răng thường xuất hiện trong độ tuổi từ 3 – 5. Theo ước tính có đến khoảng 20 – 30% trẻ nghiến răng khi ngủ, nhưng hầu hết đều tự khỏi khi lớn dần và không gây hậu quả về lâu dài.

 

Dấu hiệu chứng tỏ trẻ nghiến răng khi ngủ

Nhận biết các dấu hiệu chứng tỏ trẻ bị nghiến răng khi ngủ sẽ giúp phụ huynh phát hiện kịp thời và can thiệp sớm cho con. Một số dấu hiệu đáng chú ý cha mẹ nên quan tâm như:

  • Răng trẻ bị mẻ, mòn, xuất hiện vết nứt, nhạy cảm dễ bị đau khi nhai hay cắn, ê buốt do việc nghiến răng thường xuyên làm gây áp lực mạnh lên răng.
  • Trẻ thường kêu đau ở tai, trán
  • Trẻ bị đau hàm, cứng hàm, đau cơ mặt khiến việc ăn nhau trở nên khó khăn do ban đêm nghiến răng khiến hàm hoạt động quá mức.
  • Trẻ phát ra âm thanh ken két hoặc răng rắc do răng bị mài, nghiến vào nhau khi ngủ
  • Trong 1 tuần trẻ ngáy quá 3 đêm.
  • Trẻ thường cảm thấy bị buồn ngủ, thiếu ngủ mặc dù đi ngủ sớm và ngủ đủ giờ (8 giờ/ngày).

 

Trẻ ngủ nghiến răng do nguyên nhân gì?

Hiện tượng trẻ ngủ nghiến răng có thể do nguyên nhân chủ quan hay khách quan. Bao gồm:

Trẻ ngủ nghiến răng do nguyên nhân gì
Trẻ ngủ nghiến răng do nguyên nhân gì

 

Do tâm lý lo lắng, căng thẳng

Đặc điểm tâm sinh lý của trẻ nhỏ là dễ thay đổi cảm xúc và chưa có khả năng tự kiểm soát cảm xúc của mình. Do đó trẻ có thể lo lắng, căng thẳng vì một lý do đơn giản như cãi nhau với bạn bè, bị bố mẹ la mắng, có nhiều bài tập trên lớp…

Quá trình thay đổi tâm lý đột ngột này đã gây nên tình trạng nghiến răng khi ngủ, đây là cách để trẻ đối phó với những cảm xúc thay đổi bất thường của bản thân.

 

Bị nhiễm giun kim

Khi trẻ bị nhiễm giun kim, cơ thể tiết ra độc tố khiến bé cảm thấy căng thẳng và khó chịu. Nhiễm giun kim là 1 trong những nguyên nhân khiến trẻ hình thành thói quen ngủ nghiến răng.

 

Do sai lệch khớp cắn ở trẻ

Nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng nghiến răng có liên quan mật thiết đến sai lệch khớp cắn, khoảng 12,75% trẻ mắc phải cả 2 vấn đề này.

Khi bị lệch khớp cắn, răng hàm trên và hàm dưới mọc lệch, mọc không khít, răng không thẳng hàng… dẫn đến việc khép hàm gặp khó khăn khiến trẻ bị khó chịu. Theo phản xạ, 2 hàm răng có xu hướng cọ xát, lúc này các bé thường siết chặt hàm để tạo cảm giác thoải mái hơn, từ đó dần hình thành thói quen nghiến răng.

 

Trẻ trong giai đoạn mọc răng

Trong giai đoạn mọc răng, trẻ thường cảm thấy khó chịu ở hàm, nên có xu hướng nghiến chặt 2 hàm khi ngủ để cảm thấy bớt đau hơn. Vì vậy, trẻ đang trong giai đoạn mọc răng thường xuất hiện hiện tượng ngủ nghiến răng.

 

Do trẻ bị thiếu hụt Calci

Thiếu hụt Calci ở trẻ có thể gây ra nhiều triệu chứng bất lợi, thậm chí là những cơn co giật nghiêm trọng. Trong trường hợp cơ thể trẻ không được cung cấp đủ Calci, ban đêm có thể xuất hiện hiện tượng nghiến răng.

 

Do các chứng rối loạn khác

Một số trường hợp trẻ nghiến răng khi ngủ có thể xuất phát từ nguyên nhân do các chứng rối loạn khác. Ví dụ: hội chứng rối loạn giấc ngủ (ngưng thở khi ngủ), rối loạn tâm thần, thiếu tập trung, tăng động… Bên cạnh đó một số loại thuốc điều trị các chứng rối loạn có thể gây tác dụng phụ là việc trẻ nghiến răng khi ngủ.

 

Nghiến răng khi ngủ ở trẻ em nếu kéo dài thì có thể gây ra những ảnh hưởng gì?

Tình trạng trẻ ngủ nghiến răng nếu chỉ trong thời gian ngắn, khi được cải thiện sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu tình trạng ngủ nghiến răng diễn ra trong thời gian dài có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn:

  • Mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng: Nghiến răng kéo dài làm răng trẻ bị mòn, hỏng men răng làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ răng miệng. Bên cạnh đó khi răng bị mòn làm cho acid, đường trong thức ăn bám vào nhiều hơn gây hỏng men răng, ê buốt sâu răng, răng trở nên nhạy cảm với nhiệt độ….
  • Ảnh hưởng đến vẻ ngoài khuôn mặt: Nghiến răng có thể khiến răng còn bị xô lệch, thay đổi trật tự, ảnh hưởng đến các răng vĩnh viễn về sau làm việc ăn nhai trở nên khó khăn, làm thay đổi vẻ ngoài khuôn mặt.
  • Gây ra 1 số bệnh: Lực nghiến răng trong thời gian dài gây đau nhức, căng tức vùng đầu, đau nhức xương hàm.
  • Nghiến răng làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng rối loạn khớp thái dương hàm (TemporoMandibular Joint-TMJ), gây đau khớp khi há miệng lớn, nhai hay ngáp.
Nghiến răng khi ngủ ở trẻ em nếu kéo dài thì có thể gây ra những ảnh hưởng gì
Nghiến răng khi ngủ ở trẻ em nếu kéo dài thì có thể gây ra những ảnh hưởng gì

 

Chứng nghiến răng khi ngủ ở trẻ em kéo dài bao lâu?

Mặc dù trẻ em là đối tượng dễ mắc phải tình trạng ngủ nghiến răng, tuy nhiên phần lớn sẽ thay đổi bỏ thói quen này khi răng đã mọc đủ hoặc khi lớn lên. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp chứng ngủ nghiến răng kéo dài ở trẻ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, cần phải có sự can thiệp, tác động từ phụ huynh hay các chuyên gia để thay đổi.

Xem thêm: Các dòng trụ Implant Hàn Quốc chất lượng cao tại Implant Center.

 

Điều trị trẻ em ngủ nghiến răng bằng cách nào?

Để điều trị trẻ ngủ nghiến răng cần xác định nguyên nhân chính xác để có cách can thiệp thích hợp và đạt được hiệu quả. Cha mẹ có thể giảm tật nghiến răng khi ngủ của con bằng một số phương pháp dưới đây:

 

Niềng răng chỉnh khớp cắn lệch

Trong trường hợp trẻ ngủ nghiến răng do vấn đề về khớp cắn, phụ huynh nên đưa con đi khám và chỉnh nha tại các địa chỉ uy tín. Bác sĩ nha khoa sẽ thăm khám và đưa ra phương pháp niềng răng phù hợp để bảo vệ răng miệng, tủy, nướu tốt hơn.

 

Chườm ấm

Chườm ấm là phương pháp hiệu quả với trẻ gặp tình trạng nghiến răng khi ngủ do ngứa nướu. Sử dụng túi nước ấm chườm lên má khiến trẻ giảm được cảm giác khó chịu, đau nhức trong thời gian mọc răng, để giảm thiểu tình trạng ngủ nghiến răng.

 

Dùng núm vú giả

Sử dụng núm vú giả là một trong những cách hiệu quả giúp trẻ loại bỏ cảm giác lo lắng, khó chịu trở nên bình tĩnh, dễ chịu trong thời gian tập loại bỏ thói quen nghiến răng. Tuy nhiên phụ huynh không nên sử dụng cho con trong thời gian quá dài vì có thể dẫn đến những vấn đề không tốt cho răng miệng trẻ.

 

Bổ sung thực phẩm chứa canxi, magie

Nếu trẻ nghiến răng khi ngủ do liên quan đến vấn đề dinh dưỡng kém, thiếu chất thì phụ huynh nên tăng cường bổ sung thực phẩm giàu canxi, magie cho con. Chúng ta nên cung cấp cho trẻ chế độ ăn có chứa đa dạng các loại phô mai, sữa, hải sản, các loại rau có màu xanh đậm (bắp cải, cải xoăn, rau ngót, súp lơ xanh…), các loại hạt (hạt điều, hạnh nhân, óc chó)…

Những thực phẩm giàu canxi, magie sẽ hỗ trợ tốt cho hoạt động của hệ thần kinh, từ đó giúp trẻ giảm thiểu tình trạng nghiến răng. Đồng thời những thực phẩm này còn cung cấp đủ dinh dưỡng cho quá trình phát triển toàn diện của con.

 

Cùng bé trò chuyện, tham gia các hoạt động giải trí

Đối với trường hợp trẻ ngủ nghiến răng do tâm lý căng thẳng, lo lắng thì cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân rõ ràng để có sự hỗ trợ thích hợp. Nếu con gặp khó khăn khi chơi với bạn, quá nhiều bài tập, sợ hãi khi bị phụ huynh mắng… cha mẹ nên nhẹ nhàng chuyện trò để giúp trẻ có thể giải quyết vấn đề.

Phụ huynh nên giúp trẻ cân bằng, xóa bỏ tâm lý tiêu cực bằng cách cùng chơi với con những trò chơi yêu thích, đọc truyện, hát cho bé nghe, tắm nước ấm… Ngoài ra, chúng ta nên hạn chế cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ, đảm bảo phòng ngủ thông thoáng, yên tĩnh, thoải mái để con có giấc ngủ sâu và ngon giấc.

Trong trường hợp trẻ khó giải tỏa, quản lý cảm xúc tiêu cực, thường xuyên căng thẳng, lo âu, chán nản, tức giận… phụ huynh nên đưa con đến các phòng tư vấn tâm lý để can thiệp kịp thời.

 

Dùng khay/máng chống nghiến răng cho trẻ

Hiện nay trên thị trường đã cung cấp các loại khay/ máng chống nghiến răng, phụ huynh có thể tham khảo lựa chọn loại phù hợp với con em mình. Sản phẩm này có tác dụng làm giảm lực ma sát giữa 2 hàm răng, giúp cơ hàm thư giãn, từ đó trẻ dần xóa bỏ thói quen nghiến răng khi ngủ.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính phù hợp, cũng như hiệu quả khi dùng khay/ máng chống nghiến răng, cha mẹ nên tham khảo chỉ định của bác sĩ để sử dụng cho phù hợp, mang lại hiệu quả tối ưu nhất.

 

Một số mẹo phòng tránh trẻ em ngủ nghiến răng

Giới thiệu một số mẹo phòng tránh trẻ ngủ nghiến răng đơn giản, hiệu quả mà cha mẹ có thể áp dụng:

  • Thăm khám nha khoa định kỳ: Trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển răng, phụ huynh nên đưa con đi thăm khám nha khoa định kỳ, để sớm phát hiện các bất thường dẫn đến tình trạng nghiến răng, cũng như đảm bảo sức khỏe răng miệng.
  • Chú ý đến chế độ dinh dưỡng: Nên đảm bảo cho trẻ chế độ dinh dưỡng cân bằng, tránh cho con ăn các thức ăn quá thô cứng, kẹo cao su gây đau nhức hàm.
  • Tạo cho trẻ thói quen tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên có lợi cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ, đồng thời kích thích cơ thể sản xuất hormone endorphin làm giảm căng thẳng.
  • Thư giãn trước khi ngủ: Để tránh tình trạng trẻ ngủ nghiến răng, phụ huynh nên cho con thực hiện một số hoạt động thư giãn trước khi ngủ như đọc sách, đọc truyện, nghe nhạc nhẹ…
  • Đảm bảo cho trẻ giấc ngủ thoải mái: Chất lượng giấc ngủ có liên quan và ảnh hưởng đến tình trạng nghiến răng, vì vậy cha mẹ nên tránh cho con sử dụng thiết bị điện tử ít nhất 2 giờ trước đó. Bên cạnh đó chúng ta cần đảm bảo phòng ngủ của trẻ thông thoáng, yên tĩnh để trẻ ngủ ngon và sâu giấc.

 

Câu hỏi thường gặp

Trong thời gian vừa qua chúng tôi nhận được khá nhiều thắc mắc về tình trạng nghiến răng khi ngủ. Dưới đây là tổng hợp câu hỏi phổ biến nhất và câu trả lời mời các bạn cùng tham khảo.

 

Người lớn có nghiến răng khi ngủ không?

Nghiến răng khi ngủ là rối loạn vận động khá phổ biến gặp phải ở người lớn. Theo thống kê, số người có triệu chứng này chiếm khoảng 20% dân số, nhưng trong đó có từ 10 – 15% không nhận biết được điều này.

Thông thường tình trạng nghiến răng khi ngủ ở người lớn có thể điều chỉnh bằng cách rèn luyện lại hành vi và thói quen. Tuy nhiên, những trường hợp nghiến răng ở mức thường xuyên, nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và những người xung quanh nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, hỗ trợ giải quyết.

 

Bọc răng sứ nghiến răng có sao không?

Thói quen nghiến răng khi ngủ khiến những người bọc răng sứ cảm thấy ê buốt, đau nhức mỗi khi thức dậy. Nguyên nhân ê buốt, đau nhức là do khi ngủ nghiến răng, khiến các răng đối diện tác động mạnh, liên tục gây nên áp lực lớn. Nếu cảm thấy khó chịu liên tục, bạn nên tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa để giải quyết triệt để tình trạng này, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.

 

Trồng Implant nghiến răng có sao không?

Trồng răng Implant nhưng có thói quen nghiến răng có thể dẫn đến tình trạng gãy vỡ các thành phần của phục hình trên Implant. Do đó nếu bạn gặp phải tình trạng nghiến răng khi ngủ, hãy trình bày rõ với bác sĩ để được đánh giá nguy cơ trước khi điều trị răng.

Trên đây là những chia sẻ chi tiết về hiện tượng trẻ ngủ nghiến răng, nguyên nhân, hậu quả và cách khắc phục hiệu quả. Nếu cha mẹ nhận thấy con có những dấu hiệu ngủ nghiến răng cần phải có tác động sớm để cải thiện, hãy tham khảo những phương pháp trên đây. Nếu cần hãy đưa con đến cơ sở y tế uy tín để bác sĩ thăm khám, điều chỉnh tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ trong tương lai.

[widget id="custom_html-2"]